Các lỗi khi phân tích kỹ thuật chứng khoán
Nhiều nhà đầu tư đã học và đọc rất nhiều bài viết và hiểu rất nhiều công cụ để phân tích kỹ thuật nhưng vẫn phân tích và đưa ra nhận định sai. Lỗi do ở đâu? Bài viết này sẽ đi vào vấn đề phân tích vì sao các chuyên gia giỏi phân tích kỹ thuật như thế lại bị sai, và rồi tất cả đổ lỗi cho phân tích kỹ thuật không thể áp dụng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Phân tích kỹ thuật thường bị sai ở Việt Nam là một câu nói đúng nhưng cũng sai. Chúng ta cùng đi tìm hiểu thế nào để phân tích kỹ thuật hiệu quả.
Chúng ta cùng đi tìm hiểu lý do vì sao phân tích kỹ thuật bị sai.
1. SAI lầm khi Các nhà đầu tư không đi từ tổng quát đến chi tiết. Nhiều nhà đầu tư vội vàng đi vào chi tiết phân tích cổ phiếu này cổ phiếu nọ mà chưa có tầm nhìn tổng quát về thị trường chứng khoán, cũng như chưa tìm hiểu xem thị trường tài chính toàn cầu hiện giờ thế nào, thị trường chứng khoán Việt Nam, VNindex và HNX-index hiện đang ra sao, và diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi đến giai đoạn nào, đi sóng nào rồi. Tóm lại những cái tổng quát đó chưa nắm thì đi vào phân tích chi tiết sẽ bị lỗi vì có thể sẽ nhận định ngược với xu hướng chung. Vấn đề này đã được đề cập cụ thể hơn ở bài viết Các bước đầu tư chứng khoán. Vậy, trước khi phân tích kỹ thuật cổ phiếu, chúng ta cần phân tích kỹ thuật các chỉ số thị trường chung của các nước lớn như Mỹ, Nhật, v.v… và phân tích cơ bản tình hình kinh tế toàn cầu cũng như của các quốc gia lớn để từ đó đưa ra một định hướng phân tích chi tiết cho khớp với bức tranh tổng thể. Giả như bức tranh chung, tình hình thị trường là giảm giá, cổ phiếu bạn phân tích kỹ thuật cho thấy sẽ tăng giá, hỏi cổ phiếu đó có lên giá nổi không? Chắc chắn là nhiều khả năng sẽ giảm theo thị trường thôi.
2. Nên nhớ: Nếu chẳng ai phân tích kỹ thuật, một mình bạn phân tích kỹ thuật thì bạn sẽ bị sai. Đây là vấn đề nòng cốt trong phân tích kỹ thuật. Nếu nhiều người cùng phân tích kỹ thuật, thì họ sẽ phản ứng mua bán theo phân tích kỹ thuật và vô hình chung làm cho giá cả trên thị trường đi theo những gì thể hiện trong đồ thị phân tích kỹ thuật, từ đó phân tích kỹ thuật trở nên đúng và đáng tin cậy. Trước khi phân tích kỹ thuật bạn phải nắm rõ lý do số 2 và là lý do nền tảng nhất trong các lý do. Trước khi phân tích kỹ thuật phải tự hỏi, có nhiều người đang ngồi phân tích kỹ thuật thị trường hay phân tích kỹ thuật cổ phiếu như mình đang làm hay không. Nếu chỉ bạn nhìn ra được những gì phân tích kỹ thuật nói thì không thể ảnh hưởng được giá cả. Phải nhiều nhà đầu tư khác cũng nhìn vào như bạn thì phân tích kỹ thuật mới tạo được hiệu ứng đám đông.
3. Sai lầm khi sử dụng nhiều công cụ phân tích kỹ thuật không thông dụng. Nhiều chuyên gia phân tích cố học cho nhiều các công cụ phân tích kỹ thuật, cố lao vào chi tiết các bài học phân tích kỹ thuật, và hiểu quá sâu hơn mức cần thiết về phân tích kỹ thuật. Như đã nói ở lý do số 2, khi chúng ta sử dụng các công cụ phân tích kỹ thuật mà chẳng ai sử dụng thì nó có tạo ra hiệu ứng đám đông cùng nhau mua bán theo những gì công cụ phân tích đó chỉ bảo không? Câu trả lời là Không. Chỉ có bạn dùng công cụ đó hoặc vài người dùng nó thì không khéo bạn sẽ mua bán không theo hướng đi của đám đông, đi ngược đám đông. Vậy bạn và vài người mua bán như vậy có đủ khiến giá cả chứng khoán đi theo ý bạn không? Phải có hiệu ứng đám đông mới đủ ảnh hưởng được giá chứng khoán. Vài người mua bán như bạn theo công cụ đó không thể làm giá chứng khoán thay đổi theo ý của đồ thị được. Đây là các công cụ phân tích kỹ thuật theo mình thấy là thông dụng. Chỉ cần sử dụng bấy nhiêu công cụ là đủ, đừng cố tìm thêm các công cụ độc và lạ để chứng tỏ mình hơn người là sai lầm.
Có thể bạn không tin, nhưng theo kinh nghiệm của mình, các bạn chỉ cần học bấy nhiêu đó thôi. Quan trọng là kỹ năng và kinh nghiệm sử dụng cho thật nhuần nhuyễn những công cụ và những lý thuyết trên. Hãy bỏ qua những công cụ kém phổ biến mà mình đã loại ra không nêu vào danh sách này. Đừng cố đưa những công cụ kém phổ biến đó vào phân tích vì chẳng ai sử dụng nó ngoài bạn và một số ít người.
4. Sai lầm khi sử dụng phân tích kỹ thuật vào những mã chứng khoán, vào những cổ phiếu mà các cổ đông và các nhà đầu tư muốn mua chẳng dùng đến phân tích kỹ thuật. Một lần nữa lý do số 2 sẽ giải thích điều này. Các cổ đông và các nhà đầu tư muốn mua bán cổ phiếu này là những người ảnh hưởng khá lớn đến giá cả cổ phiếu này. Họ chẳng mua bán theo phân tích kỹ thuật, vậy bạn mua bán theo phân tích kỹ thuật hỏi có thể nào phân tích đúng được. Giả như bạn phân tích kỹ thuật thấy là cổ phiếu sẽ giảm, nhưng những nhà đầu tư đó không nhìn vào kỹ thuật, và họ muốn mua vào để sở hữu thêm cổ phiếu. Vậy hỏi bạn sẽ phân tích đúng hay sai. Dĩ nhiên trong ví dụ này, cổ phiếu sẽ tăng do họ tham gia mua vào. Do đó hãy chắc chắn rằng các nhà đầu tư này cũng dùng phân tích kỹ thuật.
5. Sai lầm khi sử dụng phân tích kỹ thuật vào những mã cổ phiếu đang bị thao túng. Với những cổ phiếu đang bị thao túng, thì những nhà thao túng sẽ thao túng giá cổ phiếu ở bất kỳ giá nào mà họ muốn. Vậy để biết được giá cổ phiếu sẽ đi như thế nào chính xác nhất là hãy đi hỏi các nhà thao túng, nếu không hỏi được thì phải nắm được tâm lí các nhà thao túng mong muốn làm điều gì để từ đó mua bán cho có lợi nhuận ở cổ phiếu đó. Bạn đừng cất công mà đi phân tích đồ thị này nọ, vì cuối cùng cổ phiếu đó cũng bị thao túng diễn biến giá lên xuống như đúng ý họ. Cùng với lí do số 2, lí do số 5 này cũng đáng được ghi tâm cho thật kỹ càng. Vậy những cổ phiếu nào dễ thao túng giá, cổ phiếu mà đa số phần lớn cổ phiếu nằm trong tay vài ba cá nhân hoặc vài ba nhà đầu tư tổ chức. Họ sẽ là những người ảnh hưởng đến giá chứng khoán chứ không phải đồ thị là thứ ảnh hưởng được giá chứng khoán.
6. Sai lầm khi sử dụng phân tích kỹ thuật vào những mã cổ phiếu nhỏ Các mã cổ phiếu nhỏ thường thì tổng số lượng cổ phiếu rất ít. Nên thông thường các cổ phiếu này thanh khoản thấp. Nên hàng ngày chỉ có một lượng ít nhà đầu tư giao dịch mua bán. Nên giá cả ngày hôm đó sẽ do các nhà đầu tư mua bán hôm đó ảnh hưởng chứ không đi theo đồ thị nào cả. Hoặc giả như, đồ thị theo phân tích kỹ thuật bảo là bán ra vì sẽ giảm. Nhưng chỉ cần một người có kha khá tiền là có thể đẩy giá cổ phiếu tăng giá dễ dàng vì tiềm lực tài chính của họ có thể mua tất cả lượng cổ phiếu của công ty đó chứ đừng nói đến mua sạch cổ phiếu của những ai đang rao bán. Vậy hỏi trong tình huống đó, một người tiềm lực tài chính mạnh như thế muốn mua vào thì phân tích kỹ thuật báo giảm có còn đúng nữa không? Lúc đó, bạn mà có bán ra theo như bạn phân tích thì hóa ra là sai lầm rồi. Đây cũng là một ý của lý do số 5, vì cổ phiếu nhỏ quá dễ bị ảnh hưởng và quá dễ bị thao túng. Hãy vứt bỏ đồ thị và phân tích kỹ thuật qua một bên đi trong trường hợp này!
7. Sai lầm sử dụng phân tích kỹ thuật nhưng không nắm rõ lý thuyết Dow và mô hình sóng Elliott. Với những mã thanh khoản cao, và nhận thấy khó có một nhà đầu tư hay tổ chức nào ảnh hưởng được đến giá cổ phiếu khi đó chúng ta có thể dùng phân tích kỹ thuật. Tuy nhiên phân tích thế nào là đúng? Vấn đề này như nói lại lý do số 1. Chúng ta phải đi từ tổng quát đến chi tiết. Phải biết được cổ phiếu mà ta đang phân tích đang ở xu hướng thế nào, đang ở sóng nào và sẽ đi tiếp những sóng nào để có thể đưa ra các nhận định mua vào bán ra ở mức giá cho phù hợp. Các công cụ phân tích có thể sẽ bị sai nếu đi ngược với xu hướng hiện tại và sắp tới của cổ phiếu đó. Nên đừng vội thấy các công cụ đó hô mua hay hô bán mà lật đật làm theo khi chưa rõ được xu hướng dựa vào hai lý thuyết nền tảng là lý thuyết Dow và lý thuyết sóng Elliott. Tóm lại các công cụ, các mô hình phân tích kỹ thuật là những thứ chi tiết, nó phải khớp với những cái nền tảng tổng quát như lý thuyết Dow và lý thuyết sóng Elliott thì mới phát huy được tác dụng. Nếu không thì khác nào nhận định ngược hướng đi của cổ phiếu, không khéo gánh phải thiệt hại mua bán nặng nề.
8. Sai lầm khi bỏ qua phân tích cơ bản. Phân tích cơ bản bao giờ cũng quan trọng và không nên bỏ qua. Phân tích cơ bản mới là phân tích thực sự nội tại của nền kinh tế và nội tại của doanh nghiệp. Đây là vấn đề không thể xem thường. Đọc và tìm hiểu bài viết phân tích cơ bản là gì? Nhiều nhà đầu tư mới nghiên cứu phân tích kỹ thuật, cứ nghĩ là mình vừa nắm bắt được một bí kiếp võ lâm nào đó mà có thể giúp mình làm giàu nhanh chóng. Họ dựa vào phân tích kỹ thuật mà họ đã học được một cách rất “bài bản” và “rất chuyên nghiệp” và có thể nói “chuyên nghiệp quá mức cần thiết” và dẫn đến sai lầm to lớn có khi đánh mất cả tài sản vì quá tự tin vào những kiến thức đã dày công học tập.
9. Sai lầm tự cho mình là chuyên gia. Các nhà phân tích kỹ thuật dĩ nhiên là những nhà học thức. Họ đã dày công học tập mới có được phương pháp phân tích kỹ thuật. Họ bám chặt vào lý thuyết mà họ đã học được, rồi “trở thành chuyên gia”. Và tự xem mình như là một chuyên gia. Cứ nghĩ những gì mình nhận định thì thị trường ắt sẽ đi theo nhận định của mình. Họ quên rằng cung cầu mới là yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến cung cầu thị trường. Họ chỉ nhăm nhe phân tích kỹ thuật mà không xem xét cung cầu thị trường đang thế nào và cung cầu cổ phiếu mình đang phân tích như thế nào. Nhắc lại cho bạn nhớ rằng, phân tích kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến cung cầu ở một mức độ giới hạn nào đó tùy loại cổ phiếu. Nhưng cung cầu mới là ảnh hưởng thật sự đến giá cả cổ phiếu. Còn phân tích kỹ thuật không hề ảnh hưởng đến giá cả cổ phiếu. Phân tích kỹ thuật chỉ ảnh hưởng đến giá cả cổ phiếu thông qua ảnh hưởng đến tâm lí mua bán nhà đầu tư từ đó ảnh hưởng đến cung cầu cổ phiếu. Không phải nhà đầu tư nào cũng nhìn phân tích kỹ thuật, mà cũng không phải nhà đầu tư phân tích kỹ thuật nào cũng nhìn ra điều mình nhìn thấy, nên sự ảnh hưởng đến cung cầu cũng chỉ có mức độ giới hạn.
10. Nên nhớ: Cung cầu ảnh hưởng đến giá cả cổ phiếu còn phân tích kỹ thuật thì không. Phần lý do số 9 mình đã có đề cập sơ vấn đề này giờ mình đề cập sâu hơn. Phân tích kỹ thuật vốn rất mơ hồ. Một số nhà đầu tư dựa vào phân tích kỹ thuật nói rằng cổ phiếu sẽ tăng nên mua vào hoặc giữ chặt, một số nhà đầu tư cũng dựa vào cái đồ thị đó và phân tích kỹ thuật và nói rằng cổ phiếu đó sẽ giảm nên bán ra, một số khác không phân tích kỹ thuật nên mua vào bán ra dựa vào các yếu tố khác. Phân tích đến đó bạn thấy phân tích kỹ thuật không ảnh hưởng hoàn toàn đến sự mua bán của nhà đầu tư. Mà trong phân tích kỹ thuật lại có người thấy nên mua, lại có người thấy nên bán. Nên tóm lại khả năng ảnh hưởng của nó bị loãng khá nhiều. Tóm lại, cung cầu hay gọi là mua bán của nhà đầu tư mới ảnh hưởng thật sự đến giá cổ phiếu. Phân tích kỹ thuật chỉ ảnh hưởng đến tâm lí mua bán từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến cung cầu, và rất là gián gián gián gián tiếp ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
11. Sai lầm khi tự tin phân tích ngắn hạn Như mình đã đưa ra ở sai lầm số 1. Chúng ta phải đi từ tổng quát đến chi tiết thì mới mong phân tích chi tiết đúng được. Nhưng chi tiết không thể phá vỡ cái tổng quát được. Do đó đừng tự tin khi cho rằng phân tích ngắn hạn của mình sẽ chắc chắn đúng rồi mua bán theo nó, dễ dẫn đến sai lầm trầm trọng. Những cái chi tiết là những cái yếu ớt trong bức tranh tổng thể. Bức tranh tổng thể đã được nghĩ đến trước, và những chi tiết sẽ được vẽ thêm sau. Nên ngắn hạn có đi loạn xạ thì bức tranh xu hướng tổng thể vẫn được đảm bảo. Và ngắn hạn rất dễ bị cung cầu ngắn hạn chi phối và thông tin chi phối nên rất khó dự đoán. Nên khi phân tích chứng khoán hạn chế phân tích ngắn hạn và cho là đúng và đầu tư theo nó. Hãy phân tích và đầu tư theo xu hướng trung hạn và dài hạn. Nên nhớ trung hạn và dài hạn sẳn sàng bẻ gãy bất kì nhận định ngắn hạn nào ngược hướng với nó. Chúng ta hãy nhớ điều mà giải Nobel Kinh Tế đã nói: không thể dự đoán giá chứng khoán trong ngắn hạn.
Tóm lại, nắm rõ bản chất của phân tích kỹ thuật sẽ giúp bạn nhìn rõ được bản chất của vấn đề và từ đó lợi dụng được những vấn đề mà mình đã nắm tìm kiếm lợi nhuận trong đầu tư chứng khoán.