Cập nhật Cổ phiếu GMD – Công ty Cổ phần Gemadept (HOSE):
TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP
Gemadept là một công ty nhà nước trực thuộc Vinalines, GMD trở thành một trong ba công ty đầu tiên được cổ phần hóa vào năm 1993. Sau khi bán Gemadept Tower trong năm 2014 và thoái vốn một phần mảng logistics trong năm 2018, GMD tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là vận hành cảng biển và mảng logistics có tỷ trọng nhỏ hơn. Năm 2021, GMD đưa vào vận hành Gemalink là cảng nước sâu lớn nhất khu vực Cái Mép – Thị Vải.
I, TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP
1, Triển vọng đầu tư đối với ngành cảng biển
– Hiện tượng thiếu hụt vỏ container do gián đoạn chuỗi cung ứng bởi dịch bệnh khiến giá thuê container tăng mạnh và đẩy giá cước vận tải biển lên mức cao kỉ lục
– Tính đến tháng 9/2021, chi phí vận chuyển trung bình của một container lớn tiêu chuẩn đã vượt qua 10.000 USD, cao hơn tầm bốn lần so với một năm trước.
– Giá giao ngay một container từ Thượng Hải đến New York năm 2019 là khoảng 2.500 USD, hiện đã gần 15.000 USD. Giá đảm bảo cho trường hợp đặt trễ trên tuyến đường này có thể tốn 20.000 USD.
Các doanh nghiệp vận tải biển- logistic, trong đó có GMD chiếm thị phần lớn đã tận dụng cơ hội này. Doanh nghiệp sở hữu đội tàu như GMD cũng hưởng lợi từ xu thế giá cước tăng. Do ảnh hưởng covid, các hãng tàu có xu hướng hợp tác để cắt giảm chi phí và đi kèm là tăng kích thước tàu vận chuyển, giúp đẩy mạnh các cảng nước sâu- các cảng có khả năng tiếp nhận tàu lớn và với lợi thế sở hữu số ít các cảng nước sâu trên toàn quốc như Gemalink, Nam Đình Vũ, GMD có lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Khi dịch được kiểm soát, các chuyên gia dự báo nhóm ngành sản xuất xuất nhập khẩu sẽ phục hồi nhanh chóng. Điều này sẽ tác động rất lớn đến nhóm ngành logistics khi đây là mắt xích quan trọng trong công tác lưu thông hàng hóa.
- Vị thế doanh nghiệp
GMD hoạt động thông qua việc quản lý 18 công ty con và 17 công ty liên kết, trong đó mảng khai thác cảng đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu, mảng logistic đóng góp thông qua phần lãi của công ty liên doanh liên kết.
Ngoài hai mảng chính, GMD còn có mảng bất động sản- một trong những hoạt động đầu tư có chọn lọc của Gemadept và đang triển khai 2 dự án khu phức hợp là dự án Saigon Gem tại khu trung tâm thương mại Quận 1. TPHCM và dự án khách sạn 5 sao tại Lào.
Với việc tham gia ở cả 2 mảng khai thác cảng và logistic, sở hữu các cảng biển, cảng ICD (Inland Container Depot), cảng hàng không, đội tàu xe và các trung tâm phân phối, GMD là doanh nghiệp hiếm hoi tại Việt Nam có khả năng cung cấp chuỗi dịch vụ logistic khép kín. Việc chủ động vận hành đầy đủ các dịch vụ trong chuỗi giúp GMD tiết giảm được chi phí thuê ngoài cũng như đảm bảo về mặt chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
2.1. Mảng khai thác cảng
Khai thác cảng tiếp tục là hoạt động cốt lõi với doanh thu tính đến hết 2020 là 2171 tỷ đồng, chiếm 83% tổng cơ cấu doanh thu của GMD, hoạt động logistic và các hoạt động khác đạt mức tăng trưởng doanh thu 42% so với 2019.
GMD sở hữu và vận hành:
– Cảng ICD Phước Long, cảng container Bình Dương. Tính đến hết 2020, khối cảng Phước Long và cảng Bình dương đạt hiệu quả cao về hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng sản lượng khai thác thông qua cầu tàu đạt 843.000 Teus. Trong đầu năm 2021, cảng Bình Dương đã lắp đặt và đưa vào vận hành thêm 6 cẩu. Khối cảng Phước Long và Bình Dương hỗ trợ tốt cho cảng nước sâu Gemalink
– GMD hiện vận hành 3 cảng container tại Hải Phòng bao gồm cảng Nam Hải, Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ với tổng công suất thiết kế đạt 1,150 nghìn TEU/năm.
+ Đối với cảng Nam Hải Đình Vũ- một trong 4 cụm cảng ICD của GMD tại Hải Phòng, bất chấp khó khăn dịch bệnh năm 2020 vẫn hoạt động vượt cả công suất thiết kế.
+ Đối với cảng Nam Đình Vũ- một trong các dự án trọng điểm của GMD, công ty đang triển khai phát triển giai đoạn 2 của cụm cảng với công suất 500.000 Teus, sẵn sàng để có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xuất nhập khẩu của thị trường. Với các cảng cũ không còn nhiều dư địa tăng trưởng khi hầu như đều hoạt động vượt công suất thiết kế, cảng Nam Đình Vũ có vị trí đắc địa nằm ở hạ nguồn sông Cấm sát cửa biển, có thể đón các tàu lớn có trọng tải đến 40.000 DWT- phù hơp với xu hướng tăng kích thước tàu hiện nay.
– GMD sở hữu 2 cảng ICD Phước Long và ICD Nam Hải cùng với cảng hàng rời – cảng Dung Quất. Cảng ICD Phước Long được thành lập từ 1995- là cảng cạn đầu tiên của Việt Nam cung cấp dịch vụ xe tải, thông quan, với kinh nghiệm quản lý và vận hành, công ty cảng Phước Long mục tiêu trở thành nhà khai thác cảng cạn hàng đầu Việt Nam để làm tốt vai trò cảng vệ tinh cho cảng nước sâu Gemalink.
– Cảng nước sâu Gemalink – cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam, động lực tăng trưởng đối với Gemadept khi nằm ở hạ nguồn sông Thị Vải, có thể đón các đội tàu lớn. Cảng Gemalink nâng gấp đôi năng lực khai thác cảng của GMD trên thị trường, là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều hãng tàu lớn với khả năng tiếp nhận tàu đến 200.000 DWT.
2.2. Mảng logistic
Với làn sóng đầu tư vào các doanh nghiệp Logistic diễn ra sôi động tại thị trường Đông Nam Á, riêng thị trường Việt Nam đã có 3 tỷ USD đầu tư vào các hệ thống kho vận và trung tâm phân phối logistic. Dịch bệnh Covid19 đã làm tăng nhu cầu mua sắm online, thúc đẩy sự phát triển các sàn thương mại điện tử và kéo theo nhu câu về dịch vụ hậu cần kho bãi
– Với chuỗi cung ứng toàn diện trên các lĩnh vực cảng hàng hóa hàng không, trung tâm phân phối hàng hóa, vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải biên, logistic hàng lạnh và logistic ô tô trong đó:
- CTCP Dịch vụ hàng hóa Sàn Gòn ( SCS), trong nửa đầu năm 2021 ghi nhận lợi nhuận tăng 30%, đóng góp 106,6 tỷ vào LNTT của GMD
- CJ Gemadept Shipping Holdings cũng ghi nhận kết quả tốt nhờ thị trường vận tải sôi động
- Bên cạnh đó, công ty vận hành 2 tàu container và cho thuê 2 tàu bên cạnh đội xà lan 30 chiếc
II, KẾT QUẢ KINH DOANH
- KQKD Q1/2022: Duy trì tăng trưởng tích cực
Trong Q1/2022, GMD đạt kết quả khả quan với doanh thu và LNTT lần lượt đạt 880 tỷ đồng (+28%) và 350 tỷ đồng (+82%), đây là mức lợi nhuận cốt lõi theo quý cao nhất mà công ty từng ghi nhận – mặc dù Q1 thường là mùa thấp điểm của ngành. Trong khi tăng trưởng sản lượng hợp nhất (không bao gồm Gemalink) ước tính đạt 10% trong Q1, tăng trưởng doanh thu tốt hơn tăng trưởng sản lượng nhờ đẩy mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng và tăng hiệu quả hoạt động. Hiệu quả sử dụng chi phí cũng được cải thiện với tỷ trọng giá vốn hàng bán/doanh thu giảm từ 62,3% trong Q1/2021 xuống 60,0% trong Q1/2022, trong khi chi phí bán hàng & quản lý cũng giảm từ 14,6% trong Q1/2021 xuống 12,5% trong Q1/2022. Lợi nhuận từ công ty liên kết tăng gấp 5 lần đạt 125 tỷ đồng, chủ yếu nhờ Gemalink có lãi và SCSC tăng trưởng 36%.
2. Kế hoạch kinh doanh năm 2022 lạc quan
Kế hoạch kinh doanh năm 2022 đã được ĐHCĐ thông qua, với kế hoạch doanh thu và LNTT lần lượt là 3.800 tỷ đồng (+18,5%) và 1.000 tỷ đồng (+24%). Ngoài ra, GMD đặt kế hoạch phấn đấu với LNTT lên tới 1.200 tỷ đồng (+48,8%). Theo đó, GMD đã hoàn thành 35% kế hoạch phê duyệt và 29% kế hoạch phấn đấu trong Q1/2022.
3. Kế hoạch tăng vốn và đầu tư
ĐHCĐ đã thông qua phương án phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 3:1, với giá 20.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ hiện tại là 3.000 tỷ đồng, với 301 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Nếu kế hoạch này thành công, 100 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành và công ty sẽ huy động thêm được 2.000 tỷ đồng. Nguồn vốn mới huy động sẽ được sử dụng để xây dựng cảng Nam Đình Vũ GĐ 2 (800 tỷ đồng), cảng Gemalink GĐ 2 (1.000 tỷ đồng) và các khoản đầu tư khác (200 tỷ đồng). Nam Đình Vũ GĐ 2 dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ Q1/2023, trong khi Gemalink GĐ2 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2025.
Cần lưu ý rằng công suất thiết kế cảng Gemalink GĐ 2 đã được điều chỉnh để có thể tiếp nhận đến 1,5 triệu TEU (so với thiết kế ban đầu là 900 nghìn TEU), nâng tổng công suất của dự án lên 3 triệu TEU. Công suất tăng thêm dựa trên việc bổ sung thêm 2 cẩu bờ STS và đầu tư thêm vào hệ thống ICD.
Thông tin chi tiết về các dự án đang triển khai
Triển vọng
Trong Q1/2022, tổng sản lượng container thông qua các cảng của Việt Nam tăng 6%, đây là mức khá thấp do nhu cầu vận chuyển suy yếu do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine và việc Trung Quốc áp dụng chính sách “Không-Covid”. Mặc dù nhu cầu tạm thời chậm lại, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn căng thẳng do tắc nghẽn ngày càng gia tăng và số lượng lớn tàu đang xếp hàng tại các cảng. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng sẽ tăng nhanh sau khi Trung Quốc nới lỏng giãn cách và mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, nhu cầu bị dồn nén có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng, đặc biệt là trong mùa cao điểm Q3 – Q4.
Gemalink tăng sản lượng nhanh chóng và có thể đạt mục tiêu 1,4 triệu TEU trong năm 2022. Gemalink đã xếp dỡ 800 nghìn TEU trong năm 2021, chiếm 15% thị phần tại cụm cảng Cái Mép. Năm 2022, GĐ 1 của dự án sẽ được trang bị đầy đủ thiết bị với 2 cẩu bờ STS đã được lắp đặt vào tháng 3 và 6 cần cẩu RTG sẽ được lắp đặt vào tháng 7. Cảng Gemalink đã thực hiện xếp dỡ 300k TEU trong Q1/2022 và đóng góp 38 tỷ đồng lợi nhuận cho GMD. Do Q1 là mùa thấp điểm của ngành, sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và sản lượng mục tiêu 1,4 triệu TEU có thể đạt được. Ở mức này, ban lãnh đạo ước tính Gemalink sẽ đạt mức lợi nhuận 18 triệu USD trong năm 2022.
Hơn nữa, Gemalink được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hệ thống cảng của GMD và có tác động tích cực đến các bộ phận khác bao gồm cảng vệ tinh Phước Long ICD và cảng Bình Dương, và xa hơn là các cảng ở phía Bắc bằng cách cung cấp cho khách hàng thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng và các giải pháp logistics tích hợp đầy đủ.
GMD có kế hoạch thoái 24% cổ phần tại cảng Gemalink, điều này có thể tạo ra lợi nhuận bất thường cho GMD.
Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đang trong quá trình thương lượng.
Các cảng Hải Phòng lấy lại đà tăng trưởng. Tại cụm cảng Hải Phòng, sản lượng qua cảng của GMD tăng 15% trong Q1/2022, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của khu vực là 5%. Đây là một kết quả khá bất ngờ và là một trong những lý do chính giúp công ty đạt tăng trưởng doanh thu cao trong Q1/2022. Cảng Nam Đình Vũ GĐ1 đã đạt 70% công suất trong năm 2021, GĐ 2 bắt đầu xây dựng vào tháng 12/2021 và dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong Q1/2023. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, dự án sẽ có tổng công suất 1,5 triệu TEU container và 3 triệu tấn hàng khô.
Sản lượng qua cảng biển nước sâu Lạch Huyện đã phục hồi sau khi giải quyết xong vấn đề cạn luồng, điều này có thể làm gia tăng cạnh tranh cho các cảng sông trong năm 2022. Tuy nhiên, do HICT sắp đạt công suất tối đa và các bến tiếp theo tại Lạch Huyện (số 3 + 4 và số 5 + 6) khó có thể hoàn thành trước năm 2025, cảng Nam Đình Vũ và các cảng sông khác sẽ có cơ hội tốt hơn để gia tăng sản lượng với tốc độ tăng của cả khu vực là 500k TEU mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2024. Theo tính toán của chúng tôi, các bến cảng có công suất chưa sử dụng lớn nhất bao gồm Nam Đình Vũ (P2), VIMC Đình Vũ, Mipec và HICT.
Công suất hoạt động tại các bến cảng Hải Phòng
Thoái vốn tại các dự án vườn cao su. GMD có 3 dự án vườn cao su tại Campuchia với tổng vốn đầu tư 1,8 nghìn tỷ đồng, trong đó công ty đã trích lập dự phòng 570 tỷ đồng. Với việc cây cao su phát triển tốt, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và giá cao su đang phục hồi, GMD đang cố gắng thoái vốn tại mảng này trong thời gian tới.
Cập nhật ước tính lợi nhuận
Với KQKD tích cực trong Q4/2021 và Q1/2022, chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính doanh thu và LNTT của GMD lên 3.742 tỷ đồng (+16,7%) và 1.215 tỷ đồng (+50,7%) trong năm 2022. Các giả định chính thay đổi như sau:
- Sản lượng cảng: Gemalink dự kiến đạt 1,4 triệu TEU trong năm 2022. Tổng sản lượng dự kiến tăng 35,3% (hoặc 11,2% nếu không bao gồm Gemalink)
- Công suất của Gemalink GĐ2 được nâng lên 1,5 triệu TEU, tuy nhiên thời gian hoạt động lùi lại sang năm 2025.
- SCSC: Chúng tôi kỳ vọng LNTT tăng 20% đạt 726 tỷ đồng trong năm 2022
Động lực tăng trưởng từ dự án Gemalink giai đoạn II
- Theo báo cáo thường niên 2020, Gemadept GMD cho biết để chuẩn bị cho kế hoạch tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục đầu tư dự án cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 190 triệu USD (khoảng 4.370 tỷ đồng), công suất 900.000 Teus/năm, cỡ tàu tiếp nhận là 250.000 DWT. Doanh nghiệp dự kiến triển khai trong quý IV và đưa vào khai thác từ 2023.
- Cùng với đó, vào quý III, đơn vị khởi công dự án cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, công suất 500.000 Teus/năm, cỡ tàu tiếp nhận 40.000 DWT. Ban lãnh đạo Gemadept dự kiến dự án này có thể đưa vào khai thác từ năm 2023. Dự án này được khởi công từ tháng 11/2019 nhưng do dịch Covid-19 xuất hiện nên tạm dừng để tập trung cho dự án cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 1. Như vậy, trong nửa cuối năm 2021, Gemadept sẽ khởi công 2 dự án cảng với tổng đầu tư 6.070 tỷ đồng.
- Cảng Gemalink là dự án cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Một số đặc tính ưu việt của cảng Gemalink:
- Tổng diện tích lên tới 72ha
- Vị trí đắc địa nhất tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, toạ lạc ngay tại cửa biển với mớn nước sâu, thuận lợi cho việc quay trở tàu, có cầu bến chính dài nhất.
- Có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối khu vực TP.HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long.
- Là cảng nước sâu duy nhất tại khu vực Cái Mép – Thị Vải có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200.000DWT.
- Nguồn hàng ổn định ngay từ khi đi vào hoạt động nhờ vào cam kết sử dụng dịch vụ của các hãng tàu lớn như CMA-CGM, Gemadept Shipping,…
Tổng công suất của Gemalink sau 2 giai đoạn là 2,4 triệu Teus với tổng đầu tư 520 triệu USD, khi đưa vào vận hành toàn bộ sẽ nâng năng lực khai thác cảng Gemadept lên gấp đôi. Dự án này do liên doanh giữa Gemadept và Tập đoàn CMA-CGM góp vốn đầu tư, tỷ lệ góp vốn lần lượt 75% và 25%.
Theo ban lãnh đạo, một hãng tàu lớn hiện đang đàm phán để mua lại 25% cổ phần của Gemalink. GMD hiện đang nắm giữ 75% cổ phần của Gemalink. Nếu thương vụ thành công, việc thoái vốn sẽ đảm bảo khối lượng hàng cho Gemalink, cảng sẽ nhanh chóng đạt điểm hoà vốn. GMD cũng sẽ ghi nhận thêm một khoản lợi nhuận bất thường đến từ việc bán cổ phần.
Bảng ước tính lợi nhuận cho Gemalink
Khuyến nghị:
- Chúng tôi cho rằng đà tăng trưởng có thể được duy trì trong năm 2022 nhờ đóng góp của cảng Gemalink và kiểm soát chi phí hiệu quả hơn, chúng tôi ước tính GMD có thể đạt 1.215 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+50,7%) trong năm 2022. Sau năm 2022, triển vọng tăng trưởng của GMD vẫn rất khả quan với sự đóng góp của cảng Nam Đình Vũ GĐ 2 bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2023 và Gemalink GĐ 2 từ năm 2025. Chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu GMD với giá mục tiêu 1 năm điều chỉnh là 65.000 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá là 21,5%.